Xe điện được sử dụng trong khu dân cư (Ảnh minh họa: Kiên Cường) |
Theo Sở GTVT, việc triển khai loại hình xe 4 bánh gắn động cơ chạy bằng năng lượng điện hoạt động trong phạm vi hạn chế (như các khu đô thị) đã phần nào phát huy được hiệu quả phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách, đặc biệt là khách tham quan du lịch. Trước đây, UBND TP Hồ Chí Minh đã phê duyệt các đề án liên quan hoạt động xe bốn bánh chạy bằng điện cho 4 doanh nghiệp nhưng chỉ 2 doanh nghiệp triển khai.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố chỉ có 2 tuyến xe điện tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng (tuyến D2 và D3) còn hoạt động, trong khi tuyến D1 (Công viên 23/9 – Thảo cầm viên Sài Gòn) đã ngừng trước đó.
Vì vậy, sở cho rằng việc tiếp tục sử dụng loại hình vận chuyển này kết nối với các phương thức giao thông khác như xe đạp, xe buýt... sẽ góp phần phát triển giao thông công cộng.
Theo đề xuất thí điểm, đơn vị này sẽ bố trí 200 xe bốn bánh sử dụng điện từ 5 - 14 chỗ, tốc độ tối đa 30 km/giờ. Giai đoạn đầu sẽ có 70 xe sức chứa 8 -10 chỗ; các giai đoạn sau sẽ có thêm 60 xe từ 7 chỗ trở xuống và 70 xe có sức chứa từ 11 - 14 chỗ được đưa vào khai thác. Xe hoạt động 24 tiếng/ngày, chỉ ngưng hoạt động khi có mưa, bão, thời tiết xấu.
Hình thức kinh doanh được doanh nghiệp đề xuất là kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng điện tử. Hành khách đặt xe qua ứng dụng điện thoại thông minh hoặc qua nhân viên.
Giá thuê xe theo lượt từ 10.000 đồng – 50.000 đồng; giá thuê ngày là 100.000 đồng/ngày; giá thuê nguyên chiếc là 70.000 – 250.000 đồng/chuyến, thỏa thuận với hành khách theo từng chuyến, theo giờ và ngày.
Theo Sở GTVT, đề án trên đã được Sở Du lịch, Công an TP Hồ Chí Minh thống nhất triển khai. Ngoài ra, qua rà soát, Sở GTVT nhận thấy Đề án đáp ứng hướng dẫn của Bộ GTVT và phù hợp quy định hiện hành, đủ điều kiện được phê duyệt.
Đề án sẽ thí điểm qua 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 sẽ triển khai ngay dịp lễ 30/4 này để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân và du khách tại khu vực trung tâm TP.
Đơn vị đề xuất sẽ đưa 70 xe có sức chứa từ 8-10 chỗ vào hoạt động trong phạm vi hạn chế giới hạn bởi vành đai các điểm, tuyến đường sau: Bến Nhà Rồng – Cầu Khánh Hội –Tôn Đức Thắng – Nguyễn Bỉnh Khiêm – Nguyễn Thị Minh Khai – Hoàng Sa – Hai Bà Trưng – Nguyễn Thị Minh Khai – Nguyễn Văn Cừ - Võ Văn Kiệt – Cầu Calmette – Bến Vân Đồn (Quận 4) – Bến Nhà Rồng.
Giai đoạn 2: sẽ triển khai cuối năm 2023, doanh nghiệp sẽ đưa tiếp 60 xe có sức chứa dưới 7 chỗ và 70 xe có sức chứa từ 11-14 chỗ.
Phạm vi hoạt động mở rộng để kết nối quận 1 đến quận 5 qua trục đường Trần Hưng Đạo, giới hạn trong phạm vi bởi vành đai các tuyến đường: Hùng Vương – Nguyễn Chí Thanh – Nguyễn Thị Nhỏ - Lê Quang Sung – Ngô Nhân Tịnh – Võ Văn Kiệt – Nguyễn Văn Cừ.
Đến đầu năm 2024 sẽ triển khai giai đoạn 3 kết nối với khu vực thí điểm giai đoạn 1 với giai đoạn 2 và mở rộng hoạt động trên các tuyến đường tiếp cận điểm du lịch, khu du lịch thuộc địa bàn quận 3, quận 10 và TP Thủ Đức.
Nguồn Báo Điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam